Hà Nội và các tỉnh thành từ Bắc Bộ đến Trung Bộ đang ở trong đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023. Với nền nhiệt trung bình trên 33 độ C, cá biệt một số tỉnh thành đã đạt mức nhiệt từ 38-39 độ C, khiến bạn nghĩ rằng mùa hè đã tới.
Nhưng theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết đợt nắng nóng đầu tiên này chỉ kéo dài 3 ngày. Tới cuối tuần, một đợt không khí lạnh sẽ tràn về khiến nhiệt độ tại Hà Nội chỉ còn ở ngưỡng 19-23 độ C. Có những tỉnh thành Bắc Bộ, nhiệt độ giảm xuống mức 17-18 độ C, trời rét nhẹ.
Biên độ nhiệt dao động lớn tới hơn 10 độ đặt chúng ta vào một cú “bẻ lái” của khí hậu, một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “thời tiết yo-yo“. Nó có thể khiến cơ thể của chúng ta bất ngờ, không chuẩn bị kịp và đặt bạn vào nguy cơ dễ bị ốm, cảm lạnh, thậm chí đột quỵ.

Biên độ nhiệt dao động lên tới hơn 10 độ C tại Hà Nội vào cuối tuần này, theo dự báo của Weather.
Tiến sĩ Aaron Bernstein đến từ Trường Y tế Cộng đồng TH Chan, Đại học Harvard cho biết: “Cơ thể con người có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Nhưng cơ chế đó không thể khởi động chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Phải mất nhiều ngày cho đến hai tuần thì cơ thể mới có khả năng thích nghi”.
Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trong những ngày “thời tiết yo-yo” này? Ai sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nó nhất? Chúng ta cùng tìm hiểu:
Đó là “thời tiết yo-yo” và nó sẽ khiến bạn dễ bị ốm

Ảnh: Nimalspace.
“Biometeorology” hay khí tượng sinh học là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của khí quyển lên sinh quyển, trong đó có sức khỏe con người. Lĩnh vực này những năm gần đây nhận được rất nhiều sự quan tâm, bởi biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Một trong số đó là sự thay đổi đột ngột của thời tiết trong những khoảng thời gian ngắn, trời đột ngột chuyển rét giữa nắng nóng hoặc ngược lại. Các chuyên gia khí tượng sinh học cho biết những biến động như vậy khiến thực vật và động vật hoang mang, làm xáo trộn sự cân bằng của các hệ sinh thái mỏng manh.
Cuối cùng, sự thay đổi thời tiết có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe con người. “Tôi gọi đó là hiện tượng ‘thời tiết yo-yo’, lên xuống thất thường. Nó giống như ăn kiêng yo-yo, cả hai đều có hại cho sức khỏe của bạn“, tiến sĩ John Whyte, giám đốc y tế của WebMD cho biết.
Theo ông, “thời tiết yo-yo” thường gây ra một số triệu chứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi hơn bình thường, sổ mũi và chảy nước mắt. Trong đó, sổ mũi là hiện tượng đầu tiên và phổ biến nhất.
Đó là bởi mũi là một lỗ mở trên cơ thể, nơi chứa rất nhiều mạch máu nhạy cảm với nhiệt độ. Các mạch máu này sẽ co lại khi trời lạnh và giãn ra khi nhiệt độ cao hơn.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột và thất thường, sự co giãn mạch máu trong mũi sẽ kích thích phản ứng sổ mũi. Nó giống như khi bạn đang đi ngoài trời nắng và bước vào phòng điều hòa, mũi bạn sẽ chảy nước.